16.
Sau khi hồi cung, Vĩnh An Cung của ta càng náo nhiệt hơn.
Ký Nhi và Nghị Nhi cùng thi xem ai có thể quấy, ai có thể khóc. Mấy vị nhũ mẫu đi đi lại lại để dỗ cũng không kịp với tiếng khóc rống liên tiếp của chúng. Ta xoa huyệt thái dương nhớ đến Giác Nhi lúc ấy nhỏ nhẹ đang yêu cỡ nào, vô cùng hoài nghi hai tên hỗn thế ma vương này sao có thể cùng một mẹ sinh ra với Giác Nhi.
Thế nhưng Giác Nhi lại vô cùng thích hai đệ đệ bé nhỏ này. Mặc dù chính nó vẫn còn là đứa bé choai choai, nhưng khi thấy hai đệ đệ khóc, không những không thấy phiền mà còn chạy theo nhũ mẫu vỗ nhè nhẹ để trấn an. Đến khi chúng không lộn xộn nữa, Giác Nhi sẽ cẩn thận từng chút lau nước mắt còn đọng lại trên mặt. Ta nhìn đôi mắt trong veo như hồ nước của Giác Nhi, cảm thấy bản thân đã sinh hạ được một vị Bồ Tát sống.
Có con trai như thế, thêm hai tên ma vương nữa thì ta cũng chấp nhận.
“Chiêu nghi, thuốc sắc xong rồi.” Thuý Tâm cẩn thận bưng bát thuốc cho ta.
Ta nhìn đống thuốc màu nâu đắng chát, trong lòng toàn sự cự tuyệt, uống được nửa bát liền vứt sang một bên.
Vẻn vẹn trong vòng hai tháng, ta đã uống đủ số thuốc mà mình chưa từng uống trong vòng hai mươi năm qua, không thể nuốt thêm một giọt nào nữa.
Từ nhỏ sức khoẻ ta đã tốt, không đến mức khoẻ mạnh cường tráng nhưng tốt xấu gì cũng có thể trèo lật mấy cái ngói trên tường. Hiện giờ cơ thể lại bị ép đến mức yếu liễu đào tơ, mỗi ngày đều mệt mỏi bịt mũi uống ba bát thuốc. Mà tất cả những thứ này đều là tên Hoàng đế tiểu nhân kia ban tặng.
Nếu hắn không kiên quyết muốn có nữ nhi, ta cũng sẽ không mang thai tiếp. Nếu ta không mang thai thì cũng sẽ không sinh ra hai tên tiểu ma vương kia, còn nhân thể rước hoạ vào người mình. Thái y tận tình khuyên bảo, liên tục nhắc nhở ta không thể khinh thường. Mỗi ngày phải uống ba bát thuốc không được ngừng lại, đồ ăn cũng có rất nhiều thứ phải kiêng. Ngay cả thời gian ngủ hay thức dậy cũng phải chú ý. Cứ điều dưỡng như thế một hai năm sau mới khôi phục lại được phong thái ngày xưa của ta. Mỗi lần ta nghe đều cảm thây đau đầu, nghe đến mức cả cơ thể ta cũng không chịu nổi nữa. Sao ta đã không mò được con gái còn suýt chút nữa phải đền cả mạng. Lại còn cái này không được phép ăn, cái kia không được phép uống, ta thiệt thòi quá!
Ta u ám nhìn tên thái y đang đổ mồ hôi vì lo sợ, trong lòng càng lo lắng hơn. Nếu như Hoàng thượng lại muốn có nữ nhi thì làm sao bây giờ. Như vậy cái mạng này của ta cũng không còn nữa.
Nhưng may thay, chấp niệm của Hoàng thượng đối với con gái chỉ là nhất thời có hứng thú. Sau khi hạ sinh hai người con trai, mỗi ngày hắn kiểu gì cũng sẽ tới trêu chọc con. Mặc dù thường hay trêu các con khóc rống lên, nhưng hắn cũng chưa từng đề cập đến chuyện muốn có con gái.
Ta thật sự thở phào một hơi.
Nhưng ta còn chưa kịp thở phào, tim ta đã lại nhảy thót lên cổ họng.
Mùa đông năm Tân Kiến thứ năm, trong nhà gửi thư đến báo bệnh tình của phụ thân đang nguy kịch.
Tay ta run rẩy không cầm nổi tờ giấy mỏng manh, sao có thể? Sao có thể?
Ba tháng trước mẫu thân còn đang ở hành cung giúp ta sinh con. Bà chưa từng nói sức khoẻ của phụ thân có chuyện gì!
“Không phải đâu, không phải đâu. Lá thư này là từ Tề phủ đưa tới sao? Là Tề phủ ở cạnh vườn lê nhìn sang hẻm Thiên Phúc ở phía Nam kinh thành sao?” Ta cố gắng kiềm chế để tay không run rẩy, lại không che giấu được sự run rẩy trong lời nói.
“Bẩm Chiêu nghi, đúng thật là gã sai vặt của Tề phủ đưa tới.” Chẳng biết vì sao tiểu thái giám lại mặt cắt không còn giọt máu, vội vàng quỳ xuống đáp.
Phụ thân hồi kinh mới chỉ hai năm, trong vòng năm năm ta mới chỉ gặp ông ấy một lần. Ta mới hai mươi tuổi thôi, sao phụ thân ta đột nhiên lại bệnh tình nguy kịch, sao có thể!”
Lòng ta bỗng trùng xuống. Ta đã hai mươi tuổi, vậy phụ thân bây giờ cũng đã ngoài sáu mươi. Ngoài sáu mươi, ông ấy bất tri bất giác đã trở thành một người già.
Đầu ta ong ong, không biết trống rỗng bao lâu. Đến khi khôi phục lại chút tỉnh táo đã thấy Thuý Tâm và Liên Nhị đang trợn mắt nhìn, chỉ sợ ta sẽ ngất đi. Ta dần hoàn hồn lại, lập tức thất tha thất thểu muốn chạy đến Hưng Đức điện. Ta muốn tìm Hoàng thượng, ta lập tức phải tìm Hoàng thượng.
Nhưng ta đến cổng lại thấy Hoàng thượng đang vội vã đi tới.
Hắn biết rồi.
Tuy hắn đã biết nhưng vẫn bị sắc mặt tái nhợt của ta doạ sợ, vội vã đưa ta trở lại phòng.
“Ta muốn trở về, ta muốn trở về.” Cả người ta đều đang run rẩy. Ta muốn trở về, ta muốn về Tề phủ. Phụ thân đã cho ta tất cả bao dung cùng sự yêu thương. Ông ấy đã cho đứa con gái nhỏ bé của mình mọi thứ có thể. Khi ông lâm chung ta không thể không ở cạnh.
Hoàng thượng chỉ đỡ ta dậy rồi gọi thái y đến Tề phủ, cũng phân phó mỗi một canh giờ phải bẩm báo lại một lần. Về sau hắn chỉ trầm mặc nắm lấy tay ta.
Toàn thân ta bỗng không còn sức lực. Ta đã quên ta là phi tần của Hoàng đế. Cửa cung sâu thăm thẳm, hễ vào cung sẽ bị nhốt trong này đời đời kiếp kiếp. Ta làm sao có thể trở về?
Ta không về được nữa.
Ta chỉ có thể đợi trong hoàng cung rộng lớn này, chỉ có thể nghe người ta hồi bẩm vài câu, chỉ có thể đợi kết quả tất yếu cuối cùng.
Sắc trời dần u ám, tâm ta như tro tàn.
“Sau này phải uống thuốc đúng giờ, không được một lần uống nửa bát.” Hoàng thượng trầm mặc hồi lâu bỗng mở miệng. Sắc mặt tuy bình thản nhưng ngữ khí lại mang theo sự không đành.
Ta mờ mịt ngẩng đầu nhìn hắn. Phụ thân ta sắp chết, tim ta cũng đã vỡ vụn. Sao hắn còn quản ta có phải uống nửa bát thuốc hay không?
“Cũng không thể lén ăn cánh gà cay sau lưng thái y, phải cẩn thận tuân theo lời dặn, điều dưỡng tốt thân thể mình.” Hoàng thượng làm như không thấy ánh mắt như nhìn kẻ điên của ta, vẫn chậm rãi nói một mình: “Còn nữa, không thể mù quáng cho Ký Nhi và Nghị Nhi mặc đồ của con gái.”
Hắn biết sao, ta có chút kinh ngạc.
Ta quả thực muốn âm thầm mặc cho hai tên tiểu ma vương kia y phục của bé gái. Cũng chỉ để thoả mãn mong muốn có nữ nhi của hắn, cũng không phải vì bản thân ta. Nhưng ta chỉ mới cầm chút vải vóc từ Chế Y Cục về chứ chưa bắt đầu làm, sao hắn lại biết?
“Chỉ có ba canh giờ.” Hoàng thượng đột nhiên chuyển hướng sang ta. “Sau ba canh giờ nhất định phải hồi cung.”
Ta sửng sốt, sau một lát mới ý thức được hắn đang nói gì. Ta nhanh chóng đứng bật dậy, lại bị hắn giữ tay lại: “Đổi thường phục của cung nữ đi.”
Gia phụ của Tề Chiêu nghi bệnh tình nguy kịch, Chiêu nghi lòng như lửa đốt, đặc biệt sai hai vị cung nữ thiếp thân đến Tề phủ thăm hỏi.
Màn đêm dày đặc, không ai đặc biệt chú ý hai cung nữ bình thường kia có dáng vẻ ra sao. Các nàng lên xe ngựa xuất cung, đi về phía Tề phủ.
17.
Trong bóng đêm, ta ngồi nửa canh giờ trên xe ngựa khiến hai chân trở nên tê cứng. Nhưng ta không để tâm đến chuyện hai chân khó chịu mà để Liên Nhị dìu đi trong cơn gió lạnh, vội vàng gõ cửa lớn Tề phủ.
Tề phủ đã không còn là phủ tướng ngày xưa. Cho dù bóng tối khiến ta không thấy rõ nhưng vẫn có thể cảm nhận được sự nghèo túng đìu hiu. Vài hạ nhân lưa thưa trong phủ thấy ta đột nhiên xuất hiện cũng không kinh ngạc, không biết có phải trước đó Hoàng thượng đã sắp xếp hay không. Ta không kịp nghĩ nhiều mà cuống quít chạy đến phòng của phụ thân.
Bên ngoài sảnh có vài người đang chen lấn, Liên Nhị cũng đứng ở bên ngoài. Ta vội vàng lướt qua bọn họ tiến vào trong phòng, vừa nhìn liền trông thấy người nằm trên giường. Nhưng cơ thể ta vẫn không khỏi bị trì trệ, người có mái tóc khô xơ và cơ thể tiều tuỵ kia là phụ thân ta sao?
Máu trong cơ thể ta như đông lại, hai chân cứng ngắc đứng cách giường khoảng một trượng, có làm sao cũng không thể nhấc nổi chân.
Huyết mạch của Tề gia trải qua ba đời tể tướng, bảy đời tướng quân. Phụ thân ta Tề Hoằng cũng là nhân tài kiệt xuất trong những người văn võ song toàn, có vô số đồ đệ trong khắp kinh thành, là một thần tử đức cao vọng trọng rất được lòng người. Hai năm trước mặc dù ông ấy một thân áo vải, tóc mai sương trắng nhưng nhìn kỹ vẫn sẽ thấy phong thái năm xưa. Thế nhưng hôm nay ta lại không thể nhìn ra được dù chỉ một chút.
Hai năm ở kinh thành chẳng lẽ còn bị giày vò hơn ba năm đi lưu đày sao?
Mẫu thân trông thấy ta liền run rẩy định hành lễ, lại bị ta nhào vào trong ngực. Bà chỉ có thể lau nước mắt, yên lặng kéo tay ta đến bên giường phụ thân, ra hiệu những người khác đều không phải hành lễ. Sắc mặt phụ thân ta rất nhợt nhạt, trong cơn nửa mê nửa tỉnh dường như đang thì thào gì đó.
Phụ thân, là con, là con, con là A Âm. Con không phải Chiêu nghi trong hoàng cung, con là đứa con gái bé bỏng của Tề phủ. Con về nhà rồi. Ta nhẹ nhàng tới gần phụ thân, ngay cả thở cũng phải dè dặt. Ta quá sợ hãi, ta sợ nếu ta thở mạnh hơn sẽ quấy nhiễu đến phụ thân. Mà phụ thân ta rõ ràng đã không thể chịu được một chút quấy rầy nào nữa.
“Phụ thân hiện giờ thần chí không rõ ràng nữa. Trong khoảng thời gian ngẫu nhiên tỉnh táo cũng sẽ muốn gặp muội.” Giọng nói nghẹn ngào của nhị tỷ khẽ truyền đến tai. Ta giật mình ngẩng đầu lên nhìn người nhị tỷ đã năm năm chưa gặp của mình. Thiếu nữ tao nhã năm đó giờ đã được gả đi, thế nhưng vẻ thương yêu cùng sự dịu dàng trong mắt dường như chưa từng thay đổi.
Ta ôm eo nhị tỷ, vùi đầu vào lòng nhị tỷ khóc nức nở. Chung quanh là người nhà mà ta ngày đêm nhớ mong. Vốn nên là lúc viên mãn ngọt ngào biết bao, nhưng phụ thân của chúng ta lại đang ở thời khắc chuẩn bị hấp hối.
“Tiểu muội đừng khóc.” Đè nén nỗi đau hồi lâu, thanh âm nhàn nhạt vang lên khiến ta đột nhiên ngẩng đầu. Từ trong đôi mắt đẫm lệ ta mơ hồ nhận ra được dáng vẻ của nhị ca, lại chỉ có thể nhìn thấy bóng dáng thê lương không thể che giấu dưới khuôn mặt tuấn tú của huynh ấy.
Nhị ca, nhị ca, tim ta như thắt lại đầy đau đớn. Ta vẫn luôn không muốn nhớ kỹ đến nhị ca, không muốn nhớ đến quá khứ của huynh ấy, không muốn nhớ đến tình cảnh của huynh ấy, cũng không muốn nhớ đến tương lai hay nỗi khổ đắng cay trong lòng huynh ấy.
Bởi vì một khi nghĩ đến, nội tâm sẽ không thể ngừng quặn đau.
Sở dĩ Tề gia chúng ta muốn cuốn vào cuộc tranh giành đoạt đích là vì Tề gia ta năm đó quả thực quá mức chói mắt. Chói mắt đến nỗi chúng ta đều nghiễm nhiên cho rằng ngôi vị cửu ngũ chí tôn sau này nếu không phải là người của Tề gia thì cũng có nửa dòng máu Tề gia. Mang trong mình huyết mạch Tề gia là vinh hạnh của mọi nhà, là vinh quang của thiên hạ.
Phần cuồng vọng này chôn giấu trong lịch sử trăm năm huy hoàng của Tề gia, bộc phát dưới tài danh thịnh thế của Tề Viễn, nhị ca ta. Huynh ấy là viên minh châu có hào quang chói sáng nhất của Tề gia.
Nhị ca ta Tề Viễn có võ nghệ uyên thâm, nhưng tài danh còn vượt xa cả võ nghê.
Ba tuổi vào học đường, năm tuổi có thể làm thơ. Khi mười một tuổi đã là một nhân tài hiếm có, mười hai tuổi vang danh khắp thiên hạ, cùng với nhị lang Dương gia lúc ấy được xưng là “Tuyệt thế song tài”. Mười bốn tuổi vừa vào triều đã tranh luận quyết liệt làm hổ thẹn các nho sĩ. Khi ấy ta mới tám tuổi, tuy vẫn mơ hồ nhưng cũng biết rõ nhị ca của Tề gia ta, Tề Viễn tài hoa xuất chúng, hào quang muôn trượng, không ai có thể làm lu mờ đi.
Mười sáu tuổi, nhị ca kết hôn, mười dặm hồng trang đón tân tẩu tẩu vào cửa. Thiếu niên lang đẹp trai hăng hái, tân nương mới gả trong sáng tao nhã. Quả thật khiến mọi người trong thành chỉ biết nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, tự trở thành giai thoại. Trong trà lâu, người người thay nhau truyền tụng đoạn giai thoại tình yêu hiếm có từ ngày này qua tháng nọ.
Liệt hoả nấu dầu, phồn hoa như gấm. Trước năm hai mốt tuổi nhị ca ta là một viên minh châu không nhiễm bụi trần, hào quang chói mắt, nhất thế vô song.
Nhưng trong câu chuyện của Thái hậu, ta mới biết chuyện nhị ca kết hôn đã trở thành một cái gai trong lòng Tiên hoàng. Bởi vì người nhị ca cưới chính là Hàn Giang Nguyệt, nữ nhi của Hàn Thái sư bên nhà ngoại Hàn Hoàng hậu. Tề -Hàn liên hôn, chuyện cứ ngỡ là duyên trời tác hợp lại trở thành nguyên do khiến Tề phủ sụp đổ trong tương lai. Sau đó, trưởng tỷ gả cho Thái tử cũng chỉ là một ảo tưởng viên mãn dưới đạo lý có thịnh ắt có suy mà thôi.
Nhưng ta vẫn thấy nhị tẩu và nhị ca phu thê hoà hợp. Cho dù hai nhà thông gia đều vì lợi ích trên triều, nhưng nhị ca và nhị tẩu lại thật lòng yêu nhau. Tiên sinh kể truyện ở trà lâu nhìn thì có vẻ như đang dùng ngữ điệu ân ái khoa trương, trong mắt ta lại chưa đủ một phần vạn. Nhị ca và nhị tẩu bình thản không màng danh lợi chứ không giống mẫu thân và phụ thân; cũng không tương kính như tân giống đại ca, đại tẩu. Khi họ ngẫu nhiên nhìn thoáng qua đối phương, trong mắt đều là sự yêu thương ngượng ngùng, thuần tuý mà nồng nàn, xâm nhập vào linh hồn, khắc ghi trong xương cốt.
Nhưng vào năm Cảnh Đức thứ mười bảy, nhị ca hai mươi mốt tuổi. Tiên hoàng khi còn sống xử lý một vụ án lớn cuối cùng là Hàn gia mưu phản phạm thượng, Tề gia mưu hại Ninh Vương. Kết quả cả nhà Hàn gia bị chém đầu, nhị tẩu cũng tự sát theo. Tề gia lưu vong khổ sở, phế Thái tử bị phong làm Kế Vương, đày đến Kế Châu.
Nhị tẩu tự vẫn khiến nhị ca giống như bị rút mất linh hồn, trong mắt không còn tia sinh khí.
Nhưng Tề gia vẫn tồn tại, cao đường vẫn còn đó. Nhị ca không thể vô pháp vô thiên cùng chết với nhị tẩu. Nhưng ánh mắt nhị ca cũng không còn thần thái. Huynh ấy không còn nâng bút, không còn viết văn, càng không còn nhắc đến sau này sẽ vào lại miếu đường. Cho nên chiến loạn Bắc Cảnh năm đó ta còn có thể mong đợi đại ca về triều, ta có công hạ sinh hoàng tử còn có thể mong đợi Tề gia hồi kinh. Nhưng bất luận tương lai có bao nhiêu cơ hội gặp gỡ, nhị ca cũng không còn ngày đó nữa. nhị ca bây giờ đã hai mươi sáu tuổi, nhưng sinh mệnh của huynh ấy đã kết thúc vào năm hai mươi mốt tuổi, không còn có tương lai.
Viên minh châu vô song ngày ấy đã hoàn toàn bị đập nát, nằm rải rác trên đống bụi đất không còn chút ánh sáng nào.
“Nhị ca.” Ta nắm chặt tay nhị ca giống như nắm một khúc gỗ đang muốn trôi đi trên dòng sông chảy xiết. Không có hồn phách, không có sinh khí đều không sao cả, nhị ca ít nhất cũng còn sống sờ sờ đứng trước mặt gọi ta là tiểu muội. Bàn tay tuy thô ráp nhưng vẫn có nhiệt độ. Huynh ấy là người anh trai dạy ta đọc sách, học chữ khi ta còn nhỏ, là người anh trai thấy ta ngang bướng không muốn học nhưng vẫn cưng chiều dạy đi dạy lại.
Nhị ca trầm mặc tuỳ ý để ta nắm tay, chậm rãi đưa tay còn lại vuốt tóc ta. Vẻ tiều tuỵ bất biến trong ánh mắt hiếm khi toát ra được một chút dịu dàng.
Ta cảm thấy tim ta đã đau đến sắp chết.
Điều càng làm ta tuyệt vọng chính là, thời gian dần dần qua đi, đã hơn một canh giờ mà phụ thân ta vẫn nửa mê nửa tỉnh, ta cũng ngày một sốt ruột. Trong lòng phụ thân vẫn luôn nhớ đến ta, ông ấy không thể không gặp đứa con gái bé bỏng của mình. Nhưng Hoàng thượng chỉ đồng ý cho ta ba canh giờ, đi lại giữa Tề phủ và hoàng cung đã mất một canh giờ rồi. Ta tuyệt đối không thể chờ đợi vô kỳ hạn. Nếu như đến sáng bị người ta phát giác, không biết sẽ mang đến biết bao thị phi cho Vĩnh An Cung và Tề phủ. Ta có thể không quan tâm đến Vĩnh An Cung, nhưng Tề phủ không thể lại trải qua phong ba bão táp nữa.