36.
Thoạt đầu, ta cảm thấy làm Hoàng hậu là chuyện muôn vàn khó khăn. Dù sao năm đầu tiên ta lật một chồng sổ sách thật dày đến đau nhức cánh tay mà vẫn không thể ngẩng đầu lên, nhìn hoa cả mắt vẫn chưa thể rõ. Năm thứ hai chúng phi thay phiên đến chỗ ta cãi nhau ầm ĩ, ngay cả đôi tai từ nhỏ được lớn lên giữa phố xá tấp nập của ta cũng không thể chịu nổi sự ồn ào này. Năm thứ ba ta bận rộn tham gia các loại yến hội, chưa đề cập tới chuyện phải gài trâm phượng chín đầu nặng trịch, một số yến tiệc tao nhã cứ nhất quyết phải có phong tục chơi chữ khiến đầu ta đau không dứt.
Thế nhưng vào năm thứ tư, khi đang xem qua những chi tiêu vụn vặt trong hậu cung, ta không những không cau mày mà còn lật nhanh sổ sách. Hơn nữa còn có thể nhạy bén phát giác tiền mua son phấn trong lục cung giảm bớt rõ rệt, tiền chi tiêu ăn uống ngày càng tăng. Ta đã là Hoàng hậu, Hoàng thượng sâu sắc cảm thấy sủng ái Trung Cung là điều danh chính ngôn thuận, dường như không còn đi tới cung của các phi tần khác. Nhưng các cung đều là những người già đã vào cung mười lăm năm. Năm thứ sáu ta đã có thể tăng vị phân, có thể ban thưởng ngân lượng, tiếng ồn ào bên tai dần lắng xuống. Ngay cả Hiền Quý phi khi gặp ta cũng đều vui vẻ cùng ta đánh giá món ngon mới ra của ngự thiện phòng. Trung thu gia yến năm thứ bảy, sau vài năm nhẫn nhịn tu luyện trong các yến tiệc tao nhã, trình độ văn học phủ bụi nhiều năm cuối cùng cũng được thấy ánh sáng. Ta múa bút viết xuống đại tác phẩm chúc mừng đầu tiên trong đời: “Trong cung có tiệc, nhiều người nhiều đồ ăn. Chợt có bóng người ngồi bên cạnh, thoạt nhìn giống như quả cầu, nhìn thêm lần nữa lại là đầu. Là cầu? Là đầu? Đến gần xem sao.” Yến tiệc hôm đó quả thực vui vẻ hoà thuận. Chúng phi tần lục cung cùng nhau chúc ta: “Hoàng hậu nương nương tài tình có một không hai, thiếp không sánh nổi!” Chỉ có Hoàng thượng nghiêm mặt uống thêm mấy chén rượu, đến tối nửa tỉnh nửa say giày vò ta hết nửa đêm. Sang ngày thứ hai mới bị thơ tình của ta làm cảm động, bất tri bất giác sai người đóng khung rồi treo trong nội điện Hưng Đức điện. Ta hài lòng bắt Thừa Nguyên Chỉ phải đích thân ngự bút ban cho mình hai từ “Thơ khôi”, cũng đóng khung treo ngay ngắn trong cung mình giống trong Hưng Đức điện.
Năm Tân Kiến thứ mười bảy, ta đã làm Hoàng hậu được tám năm, ngày càng thích thú như cá gặp nước nhưng lại gặp một chuyện khó nhằn.
Giác Nhi đến nay đã được lập làm Thái tử. Ta thân là mẹ đẻ, cũng nên chọn cho thằng bé một vị Thái tử phi.
Giác Nhi mày kiếm mắt sáng, từ bé đã được nhị ca dạy bảo nên tài tình cùng đức hạnh cũng rất cao minh. Có vô số cô nương vọng tộc hâm mộ thằng bé. Chọn trong đó một Thái tử phi lưỡng tình tương duyệt quả thực không phải chuyện khó. Giác Nhi từ nhỏ tính tình ôn nhu, nhưng nào ai biết càng lớn lại càng kiệm lời trầm mặc, rất có dáng vẻ một ông cụ non. Ta hỏi thằng bé chuyện tuyển phi, thằng bé lại nói không có cô nương nào vừa ý.
Hôm ấy A Phán mặc váy áo mỏng manh ôm cháu của Tuyết Đoàn và Tuyết Cổn là Tuyết Dung Dung, bay vào lòng ta giống như tiểu tiên tử, thần bí ghé sát vào tai ta: “Mẫu hậu, A Phán lén nhìn thấy đại ca đang vẽ tiên nữ! Đẹp lắm!”
Tiên nữ? Ta tất nhiên chưa từng trông thấy tiên nữ nên hết sức tò mò, trả giá bằng hai miếng bánh đường để A Phán mang đến một bức chân dung vẽ tiên nữ từ Đông Cung. Lúc ấy ta lập tức hiểu vì sao ta không thể chọn được Thái tử phi, thì ra Giác Nhi cũng có cô nương mình thích nhưng lại không thể lấy.
Ta gọi Giác Nhi vào cung, nói cho thằng bé biết ân oán ngày xưa không liên quan đến hậu bối. Nguyên Viện là một cô nương rất tốt, tướng mạo thoát tục, có tri thức lại hiểu lễ nghĩa, có thể đảm đương được chức vị Thái tử phi. Mẫu hậu rất thích.
Giác Nhi đến cùng vẫn là hoàng tử. Dù ta và nhị ca chưa từng đề cập đến chuyện cũ với nó, nhưng thằng bé lớn lên trong hoàng cung dĩ nhiên cũng biết đối nhân xử thế. thằng bé biết rất rõ ân oán giữa hai nhà Tề – Dương. Ta là mẫu hậu của nó, nhị ca là ân sư của nó. Mà Dương Nguyên Viện lại là nữ nhi của con trai thứ tư trong Dương gia, Dương Hoán. Tuy thằng bé rất thích nhưng lại không muốn chúng ta khó xử, chỉ đành gửi gắm tình ý vào ngòi bút ở chỗ không người.
Mùa thu năm Tân Kiến thứ bảy, Thái tử phi Dương Nguyên Viện gả vào Đông Cung, tình đầu ý hợp với Thái tử, quấn quít lấy nhau.
Một năm sau tân hôn của Thái tử, nhị ca viết thư cho ta, nói Thái tử đã có thể tự đảm đương một phía. Huynh ấy muốn từ chức, đi tới nơi xa lập nghiệp, lập đàn giảng dạy khắp năm châu tứ hải.
Huynh ấy nói là nguyện vọng ngày xưa của một vị bằng hữu cũ.
Ta biết Dương Nguyên Viện rất có tài khiến huynh ấy nhớ lại người bạn thân ngày trước. Thời gian dần qua, ân oán cũng đã xong, chỉ còn lại nỗi nhớ mong sông núi. Nhưng kỳ thật ta càng hiểu nhị ca quyết ý rời đi không chỉ vì nhớ đến tâm nguyện chưa thành của hảo hữu, mà cảnh tượng Giác Nhi nắm tay A Viện cực kỳ giống nhị ca và nhị tẩu ngày xưa, giữa lông mày đều là thâm tình không phai. Huynh ấy tức cảnh sinh tình, khó có thể chịu được. Thay vì ở lại Đông Cung thì không bằng đi thật xa, giữ người trong lòng đi ngắm núi sông.
Ta không biết đời này còn có thể gặp lại nhị ca hay không, nhưng ta biết bóng dáng huynh ấy có thể đang ở một học đường xa xôi nào đó. Học sinh dưới chướng huynh ấy sẽ trải rộng khắp Cửu Châu. Mỹ danh của huynh ấy sẽ lưu truyền khắp phố xá. Huynh ấy sẽ càng toả sáng hơn thiếu niên lang ngây ngô năm xưa ở kinh thành.
Năm Tân Kiến thứ mười chín, Thái hậu dần già đi. Bà thương A Phán nhất, ta cũng thường đưa A Phán tới thỉnh an. Đàn Hương trong cung Thái hậu vẫn phảng phất. Bà không còn ôm trán than con của bà thích một kẻ ngốc, ánh mắt bà nhìn ta đầy hoà ái, cảm thán một cách hiền lành: “Chỉ Nhi có ngươi đúng thật là phúc khí của nó.”
Năm Tân Kiến thứ hai mươi, Thái hậu đã chuẩn bị hấp hối. Ta cùng Hoàng thượng đau buồn quỳ dưới đất. Thái hậu chỉ nhìn A Phán bên cạnh ta, trong cặp mắt già nua ngấn lệ: “Khi ai gia hai mươi tuổi đã từng có mang một nữ hài nhi. Nếu con bé có thể sinh ra, nhất định sẽ được mọi người yêu thương như Tiểu A Phán. Ai gia thắp hương cầu phúc cả đời, chắc hẳn con bé đang cùng Tiên hoàng đợi ai gia đây…”
Thái hậu băng hà, cả nước để tang.
Thái hậu tạ thế không bao lâu, mẫu thân của ta cũng qua đời vào mùa đông. Mẫu thân ra đi lúc cao tuổi, con cháu khắp sảnh đường. Ta vốn không nên có bất kỳ tiếc nuối nào, nhưng cái chết vẫn luôn mang đến cho ta cảm giác bất lực không dứt. Nó quá tàn nhẫn vô tình, là điều tất yếu mà tiền tài, uy thế, hoàng quyền đều không lay chuyển được.
“A Âm?” Hoàng thượng thấy đêm ta ôm chặt hắn không nói lời nào, sưởi ấm bàn tay lạnh buốt của ta: “Thân thể khó chịu sao?”
Khi ta hạ sinh A Phán đã mắc chứng tay chân lạnh, mười mấy năm qua đều như thế. Hoàng thượng đã quen ban đêm ta ôm chặt hắn để ngủ. Hôm nay hỏi vậy chỉ vì ta gần đây luôn rầu rĩ khó ngủ say giấc, hắn cũng hơi phát hiện ra.
“A Chỉ, chàng nói sau khi chết người ta sẽ đi về đâu?” Ta thò đầu ra khỏi chăn gấm nhìn Hoàng thượng, ngữ khí mang theo sự nghẹn ngào. Hoàng thượng đã ba mươi tám, càng thêm tuấn tú dịu dàng.
Hoàng thượng nhất thời nghẹn lời, ôm ta yên lặng không nói.
“Thật sự có hoàng tuyền địa phủ sao?” Ta vuốt ve cổ Hoàng thượng, áp trán vào lồng ngực ấm áp của Thừa Nguyên Chỉ: “Thật sự sẽ gặp lại nhau sao?”
“A Âm gần đây quá lao lực rồi.” Hoàng thượng hiểu tang sự liên tiếp khiến ta uể oải. Hắn không trả lời mà chỉ ôm eo ta, hôn lên trán ta, chóp mũi rồi đến môi: “A Âm đừng suy nghĩ lung tung…”
Ta rơi vào nụ hôn kiều diễm của Thừa Nguyên Chỉ, đầu óc choáng váng không nhớ được nỗi sợ ban đầu, nằm trong ngực Hoàng thượng dần trở nên bối rối.
“Trẫm không biết có Cửu U Hoàng Tuyền hay không, cũng không biết liệu nhân sinh đời trước có quá nhiều nuối tiếc nên mới mong mỏi sau khi chết được gặp nhau hay không.” Hồi lâu sau, Hoàng thượng có lẽ cho rằng ta đã ngủ sâu nên vuốt tóc ta khẽ nói: “Nhưng bất kể thế nào, có trẫm ở đây, chắc chắn sẽ dốc hết sức khiến nàng sinh thời không để lại tiếc nuối. Sau khi chết cũng sẽ không cô đơn dưới suối vàng…”
Ta dựa vào Thừa Nguyên Chỉ, chợt cảm thấy an tâm và ấm áp. Sinh tử cũng không có đáng sợ như vậy. Ta cong khoé miệng, thò đầu ra hôn nhẹ vào môi Thừa Nguyên Chỉ.
“Vờ ngủ lừa ta?” Ngữ khí Hoàng thượng mang theo chút xấu hổ mơ hồ, đưa tay luồn vào trong áo ta: “Có vẻ Hoàng hậu của ta còn chưa đủ vất vả…”
Kháng nghị mềm yếu của ta hoàn toàn vô dụng, sau một phen mây mưa thở hồng hộc, ta cuối cùng cũng ngủ như chết.
Ta không còn chấp niệm tìm hiểu sâu hơn về sinh tử, chỉ càng trân quý mỗi ngày ở cạnh Hoàng thượng, mỗi ngày thân mật cùng bọn nhỏ.
Thời gian trôi đi trước mắt, ta thấy Ký Nhi và Nghị Nghi càng lớn càng anh tuấn, thấy A Phán ngày càng duyên dáng yêu kiều động lòng người, thấy Thái tử phi sinh hạ tiểu Thái tôn, thấy từng phi tần hậu cung rời đi một. Mà điều chưa từng thay đổi chính là từ đầu tới cuối đều có người đứng bên cạnh ta, nắm tay ta vừa kiên định vừa có lực.
Ký Nhi cười ngại ngùng nhìn tiểu cô nương Triệu gia, Triệu Khâm. Nghi Nhi cưới tiểu nữ nhi hoạt bát hay cười của Tống gia, Tống Doanh Doanh. Hoàng thượng phong một đứa là Ký Vương, một đứa là Nghị Vương, để chúng xuất cung xây phủ trải qua những tháng ngày của riêng mình. Năm tháng dài đằng đẵng, Ký Nhi và Ký Vương phi ngày càng béo tròn như nhau. Gương mặt của Nghị Nhi vẫn không thay đổi nhưng đã cười đến mức có nếp nhăn ở miệng. Bây giờ huynh đệ hai người bọn chúng đứng cạnh nhau cũng không cần phân biệt kỹ mặt mày, ngược lại còn không giống như sinh đôi.
Hai huynh đệ ngày xưa hay làm ầm ĩ lại khiến ta và Hoàng thượng bớt lo nhất. Ngược lại A Phán lanh lợi hiểu chuyện lại khiến phụ hoàng của con bé sầu não đến bó tay.
A Phán tới tuổi cập kê, Hoàng thượng chọn đến hoa cả mắt, muốn tìm cho An Lạc công chúa hắn thương yêu nhất một vị hôn phối tốt. Trưởng tử của Hạ tướng phủ hôm nay tuy tài tình có thừa nhưng dung mạo không đủ tuấn mỹ. Tiểu tôn tử của Tiền lão tướng quân ngày mai tuy oai hùng soái khí nhưng kém lại thi thư. Xem trái xem phải mà vẫn không tìm được phò mã ưng ý. A Phán cũng không để tâm đến chuyện kết thân, tinh quái nũng nịu phụ hoàng nói rằng mình không muốn xuất giá sớm. Hoàng thượng muốn giữ tiểu công chúa bên người thêm hai năm cũng không sao. Nhưng cứ giữ lại mãi, Tiểu A Phán lại cho phụ hoàng của con bé một đòn cảnh cáo. Năm con bé mười bảy tuổi, chúng ta mới biết con bé đã sớm nhìn trúng một tiểu thái giám thanh tú trong cung Thái hậu ngày xưa, còn cùng tiểu thái giám tìm mèo cái cho Tuyết Dung Dung, phối được một đàn mèo con. Riêng phần mình thì nhận nuôi một nửa.
Bản tình ca của A Phán quá mức lệch lạc. Phụ hoàng con bé tức giận xém chút nữa đánh rơi ngọc tỷ trong tay, nhẫn nhịn hết lần này đến lần khác, cuối cùng cũng không nỡ cho con bé một cái bạt tai.
“A Âm, nàng nói trẫm có phải dung túng An Lạc quá mức không?” Đuôi lông mày Hoàng thượng đã nhiễm sương gió, nhíu chặt lại, lo lắng cho nữ nhi mình yêu thương mười mấy năm qua. Tất cả lang nhi tốt trong thiên hạ đều mặc con bé chọn lựa, vì sao lại nhìn trúng một tiểu thái giám.
“Hoàng thượng cuối cùng cũng thấy vậy sao?” Ta thở dài. Trình độ lệch lạc khỏi thế tục của A Phán ngày càng vượt xa sự mong đợi của ta, còn khiến ta kinh sợ hơn lúc biết tin Dương Chiêu Nhi yêu thầm nhị ca nhà nàng. Nhưng đến cùng Dương Hiên cũng không phải nhị ca ruột của Tiên hoàng hậu, mà tiểu thái giám kia lại là tiểu thái giám đã bị tịnh thân.
“Còn quỳ ở đó không?” Hoàng thượng hỏi Hạ công công canh giữ ngoài điện.
“Vẫn còn, công chúa không nói một lời, đã quỳ năm canh giờ rồi.” Hạ công công cũng đã già. Cả đời ở bên cạnh Hoàng thượng cũng đã quen với đao kiếm, nhưng khi nói về An Lạc công chúa, ngữ khí cũng bất giác mềm mỏng xen lẫn lo lắng.
Đúng vậy, A Phán mặc dù từ nhỏ hay gây chuyện nhưng cũng cực kỳ thông minh, khéo léo hiểu lòng người. Người người trong cung chê con bé tinh nghịch ầm ĩ, nhưng ai nấy trong cung cũng yêu chiều con bé. Ai lại ngờ con bé sẽ gây ra một tai hoạ bất ngờ như vậy. Hai cha con không ai nhường ai khiến người khác khó xử.
“Bảo con bé đứng dậy đi.” Hoàng thượng buông lỏng chiếc nhẫn trong tay, chậm rãi nói: “Xử lý sạch sẽ những lời đàm tiếu. Con bé muốn có tiểu thái giám ấy thì đưa đến chỗ con bé. Coi như trẫm không nỡ xa công chúa, sau này không cần nghị hôn cho công chúa nữa.”
“Vâng.” Hạ công công gật đầu nhận lệnh rồi tự đi xử lý.
“Hoàng thượng?” Ta không dám tin Hoàng thượng lại thật sự làm theo ý A Phán.
“Con bé giấu kĩ đến bây giờ, nào có phải dự định một sớm một chiều? Con bé là công chúa, trẫm cũng không lo con bé không có dường lui.” Hoàng thượng giãn lông mày ra, trong mắt đã có thăng trầm qua năm tháng. “Nàng yên tâm, nữ nhi của ta và nàng, trẫm sao có thể nhẫn tâm để con bé sống trong sầu não suốt quãng đời còn lại.”
“A Phán sẽ hiểu tấm lòng của Hoàng thượng, cũng sẽ đi tiếp con đường mình chọn.” Ta thở hắt ra, nhẹ nhàng nắm chặt tay Hoàng thượng.
“Nói trẫm cưng chiều con bé, trẫm thấy nàng còn cưng chiều hơn trẫm.” Hoàng thượng kéo ta ra, nhìn A Phán khó tin lay Hạ công công qua cửa sổ, nhảy nhót như chim đậu trên cành, lông vũ được nắng chiếu lấp lánh.
“Cả gan làm loạn, không kiêng kỵ gì, vô cùng giống nàng.” Ánh mắt Hoàng thượng nhìn A Phán xa xăm mà ôn hoà.
“Oan uổng.” Ta dựa vào vai Hoàng thượng, cảm nhận được gió xuân thổi nhẹ qua gò má. “Thần thiếp là ỷ sủng mà kiêu, không chút sợ hãi.”
Khoé miệng Hoàng thượng bất giác cong lên.
Kỳ thực cũng rất tốt, A Phán không cần xuất cung. Dù ta bị giày vò đến bất động nhưng trong cung lại có bóng dáng hoạt bát khác, sau lưng mang theo vài con mèo nhỏ trắng như tuyết chạy tới chạy lui, xông đến sau lưng tiểu thái giám cười vui vẻ, khiến cho khắp hoàng cung rộng lớn không còn chỗ nào cô tịch.